Nến Heiken Ashi được biết đến là một trong những phát minh tuyệt vời của người Nhật trong lĩnh vực trading bên cạnh chỉ báo Ichimoku hay mô hình nến Nhật. Tuy nhiên, phát minh này chỉ được xem như một chỉ báo chứ không phải đồ thị giá. Vậy thì chính xác nến Heiken Ashi là gì? Chiến thuật với nến Heiken Ashi như thế nào? Cách sử dụng nến Heiken Ashi ra sao? Beat Forex sẽ giải đáp những điều này ngay sau đây.
Nến Heiken Ashi là gì? Cấu tạo và đặc điểm của nến này
Nến Heiken Ashi là gì?
Vào năm 1700, Munehisa Homma đã phát minh ra mô hình nến Heiken Ashi đầu tiên. Trong tiếng Nhật thì cụm từ “heiken ash” được hiểu là “thanh giá trung bình” hay “nến trung bình”. Bởi thành phần cấu tạo nên giá của nến đều liên quan đến giá trị trung bình.
Giá trị của Heiken Ashi được xác định dựa trên dữ liệu giao dịch trong quá khứ và hiện tại. Munehisa Homma cũng chính là “cha đẻ” của biểu đồ nến Nhật cho nên rất dễ hiểu khi mô hình của Heiken Ashi gần giống hình dáng của nến Nhật.
Theo đó, Heiken Ashi cũng bao gồm 2 bóng nến (râu nến) và thân nến. Mô hình của Heiken Ashi cũng được làm mịn, làm mượt giống như đường MA và cũng có khả năng xác định xu hướng thị trường tương đối chính xác.
Mặc dù có những điểm tương đồng với biểu đồ nến Nhật nhưng Heiken Ashi lại chỉ được xem như một chỉ báo, hoàn toàn chưa được nhà đầu tư coi là biểu đồ giá. Vậy chính xác thì cấu tạo và đặc trưng của mô hình Heiken Ashi là như thế nào?
Cấu tạo và điểm đặc trưng của mô hình Heiken Ashi
Như đã chia sẻ giá trị của Heiken Ashi có được nhờ vào dữ liệu của phiên giao dịch trước đó và hiện tại. Cho nên thành phần cấu tạo của nến này cũng bao gồm 4 mức giá quen thuộc: giá thấp nhất (Low), giá cao nhất (High), giá mở cửa (Open) và giá đóng cửa (Close).
Heiken Ashi dù có hình dáng giống với mô hình nến Nhật nhưng chính bản thân nến này cũng có những đặc điểm riêng biệt. Và chỉ cần nhà đầu tư nắm vững những đặc trưng riêng biệt ấy thì vẫn có thể áp dụng thành công trong mỗi lần giao dịch. Cụ thể:
- Giá của Heiken Ashi có được nhờ tính toán dựa trên dữ liệu của phiên giao dịch trước đó và hiện tại. Vì vậy, từng mô hình nến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhau, có thể gây ra mức độ trễ nhất định. Và đây cũng là điểm đặc trưng nhất ở mô hình nến Heiken Ashi.
- Heiken Ashi cung cấp những tín hiệu ra vào lệnh chính xác và an toàn hơn nhờ có khả năng làm mịn thông tin. Do đó, nhà đầu tư có thể yên tâm mỗi khi giao dịch, nhất là ở thời điểm thị trường Forex có nhiều biến động.
- Mô hình của Heiken Ashi biểu hiện rõ xu hướng của thị trường tài chính nói chung và sàn giao dịch ngoại hối nói riêng.
- Heiken Ashi là dạng biểu đồ trực quan, không chứa quá nhiều thông tin phức tạp yêu cầu phải phân tích sâu nên nhà đầu tư khá dễ đọc. Đặc biệt. mô hình Heiken Ashi được cho là phù hợp với các nhà đầu tư mới hơn cả.
Như vậy, Beat Forex đã giúp quý vị hiểu cơ bản về khái niệm nến Heiken Ashi là gì, cấu tạo cũng như đặc điểm đặc trưng của mô hình nến này so với biểu đồ nến Nhật. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư không bị nhầm lẫn khi áp dụng biểu đồ nến Nhật và mô hình nến Heiken Ashi, Beat Forex mời quý vị dành 1 phút xem phần so sánh sau.
So sánh mô hình Heiken Ashi với biểu đồ nến Nhật
Trên thực tế, vẫn có nhà đầu tư bị nhầm lẫn giữa nến Heiken Ashi và nến Nhật khi áp dụng. Bởi thoạt nhìn mô hình Heiken Ashi khá giống với biểu đồ nền Nhật truyền thống. Nhưng về nội dung, mỗi mô hình lại biểu thị những thông tin khác nhau.
Để hiểu rõ hơn, quý vị xem tại bảng so sánh dưới đây:
Bảng so sánh giữa biểu đồ nến Nhật và mô hình Heiken Ashi |
||
Tiêu chí so sánh |
Nến Nhật truyền thống |
Biểu đồ nến Heiken Ashi |
Hình dáng biểu đồ | Từng thanh nến cách xa nhau. Đó là bởi giá mở cửa của phiên sau bằng giá đóng cửa của phiên trước, trừ khi xuất hiện GAP. | Đồ thị đầy đặn, từng thanh nến xếp dày, sát nhau hơn vì không xuất hiện GAP. Và nến sau bắt đầu ngay từ giữa nến trước. |
Độ mượt | Khả năng nhiễu cao do biểu đồ này thể hiện mức giá của phiên giao dịch hiện tại. | Đ mượt mịn cao do giá mang tính chất trung bình cộng giống MA nên khả năng gây nhiễu ít. |
Biểu thị xu hướng | Xu hướng thị trường không rõ ràng. Vì khi thị trường có chiều hướng giảm trên biểu đồ vẫn có xen kẽ nến xanh hay xu hướng thị trường tăng vẫn có xen kẽ nến đỏ | Xu hướng thị trường được biểu thị khá rõ ràng. Nếu thị trường tăng thì sẽ biểu thị bằng nến xanh và thị trường nếu giảm sẽ biểu thị bằng nến đỏ |
Tính chất | Trên biểu đồ Nhật truyền thống thể hiện mức giá của thời điểm hiện tại, mức giá để đặt lệnh một cách chính xác. | Không biểu thị mức giá của thị trường ở thời điểm hiện tại. Chuyển động nến hoàn toàn không phải là mức giá sẽ khớp lệnh. Mà chỉ được coi như một chỉ báo. Đây cũng chính là lý do mà Heiken Ashi luôn được đặt ở mục Indicators thay cho các dạng thanh, đường hay biểu đồ giá như nến Nhật,… |
Với bảng so sánh chi tiết phía trên, Beat Forex tin rằng mọi nhà đầu tư đều sẽ tránh được việc nhầm lẫn khi sử dụng biểu đồ nến Nhật thông thường và mô hình Heiken Ashi.
Một số mô hình giá nến Heiken Ashi mà trader cần biết
Nhà đầu tư nếu muốn áp dụng Heiken Ashi trong mỗi lần giao dịch thì không thể không biết đến một số mô hình giá nến sẽ thường xuyên xuất hiện trên đồ thị Heiken Ashi dưới đây:
Mô hình Doji
Mẫu hình đầu tiên sẽ xuất hiện thường xuyên trên đồ thị Heiken Ashi là nến đảo ngược Doji. Nến này xuất hiện khi giá đóng cửa và mở cửa ở cùng mức. Như vậy, nến Doji sẽ không có thân và nhìn giống như một dấu gạch ngang.
Mô hình nến Doji khi xuất hiện sau một động thái định hướng, có khả năng đảo ngược sẽ chỉ ra rằng hành động giá đang bị đình trệ và có thể thị trường sẽ đảo chiều. Quý vị quan sát biểu đồ nến Heiken Ashi ở dưới:
Có thể thấy 3 sự thay đổi giá: giảm, tăng và giảm thêm một lần nữa. Đầu tiên là giá bắt đầu giảm xuống. Ở cuối vòng xoay của giá này, quý vị thấy 1 cây nến Doji. Hướng đảo ngay ngược sau đó.
Tiếp theo, trên đồ thị Heiken Ashi xuất hiện 1 mô hình nến Doji khác ngay ở đầu xu hướng tăng. Mô hình giá sẽ đảo ngược 1 lần nữa để bắt đầu một động thái giảm giá mới.
Mô hình giá tam giác
Mô hình giá tam giác cũng thường được nhìn thấy trên đồ thị Heiken Ashi. Điểm đặc trưng ở đây là nhà đầu tư phải tuân theo hướng mà hành động giá vượt qua.
Nếu giá Heiken Ashi phá vỡ đỉnh của mô hình sẽ báo hiệu rằng mức tăng của thị trường có thể sẽ được kéo dài. Còn nếu giá phá vỡ đáy của tam giác thì nhà đầu tư có thể nhận định rằng giá sẽ bắt đầu một động thái giảm giá mới.
Mô hình giá cái nêm
Một mô hình giá khác nữa mà nhà đầu tư cũng thường nhìn thấy trên biểu đồ nến Heiken Ashi đó là mô hình Wedge (mô hình cái nêm). Có 2 loại mô hình Wedge là: Falling Wedge (nêm giảm) và Rising Wedge (nêm tăng).
Trong đó, Rising Wedge (nêm tăng) có tiềm năng giảm giá. Và ngược lại, Falling Wedge (nêm giảm) lại có tiềm năng tăng giá. Khi giá phá vỡ 1 trong 2 cận dưới hoặc trên thì đó sẽ là tín hiệu mua bán mà các nhà đầu tư cần nắm bắt.
Trên đây là thông tin cơ bản của một số mô hình giá sẽ xuất hiện trên đồ thị nến Heiken Ashi mà nhà đầu tư cần biết để đưa ra những chiến thuật giao dịch hiệu quả nhất.
Và như đã chia sẻ ở trên, tuy cấu tạo của Heiken Ashi cũng bao gồm 4 mức giá quen thuộc nhưng công thức tính của chúng có phần phức tạp. Nên Beat Forex sẽ dành một phần nhỏ của bài viết để chia sẻ chi tiết hơn về công thức tính toán các mức giá có trong thành phần cấu tạo của Heiken Ashi.
Công thức tính toán giá của mô hình Heiken Ashi
Nếu như 4 mức giá bao gồm: Open, Close, High, Low của biểu đồ nến Nhật được xác định bằng các mức giá của chính phiên giao dịch hình thành nên cây nến đó thì 4 mức giá này trong mô hình Heiken Ashi có được còn phải liên quan đến các mức giá ở phiên giao dịch ngay trước đó.
Cho nên từng mức giá của mô hình Heiken Ashi sẽ được tính toán theo các công thức sau:
Giá mở cửa (Open)
Giá mở cửa (Open) của Heiken Ashi sẽ được tính bằng trung bình cộng của giá đóng cửa và giá mở cửa của cây nến trước hay trong phiên giao dịch trước đó.
Công thức tính: Giá mở cửa = (Open of Pre. Bar + Close of Pre. Bar)/2
Giá đóng cửa (Close)
Giá đóng cửa (Close) của mô hình Heiken Ashi sẽ được tính bằng trung bình cộng của cả 4 mức giá bao gồm: giá mở cửa (Open), đóng cửa (Close), cao nhất (High) và thấp nhất (Low) của phiên giao dịch hiện tại.
Công thức tính: Giá đóng cửa (Close) = (Open + Close + High + Low)/4
Giá cao nhất (High)
Giá cao nhất (High) của mô hình Heiken Ashi là giá trị lớn nhất của 3 mức giá là: giá đóng cửa, giá mở cửa và giá khớp lệnh cao nhất – là mức giá cao nhất đã đạt được trong phiên giao dịch hiện tại.
Công thức tính: Giá cao nhất (High) = Max (High, Open, Close)
Giá thấp nhất (Low)
Giá thấp nhất (Low) của mô hình Heiken Ashi là giá trị nhỏ nhất của 3 mức giá bao gồm: giá mở cửa, giá đóng cửa và mức giá khớp lệnh thấp nhất – là mức giá thấp nhất đã đạt được trong phiên giao dịch hiện tại.
Công thức tính: Giá cao nhất (Low) = Min (Low, Open, Close)
Công thức tính toán các mức giá của mô hình Heiken Ashi đã được chia sẻ chi tiết để nhà đầu tư có thể áp dụng cho từng phiên giao dịch. Và nếu thành công thì đương nhiên nhà đầu tư thu lợi và ngược lại. Do đó, cũng giống như mô hình nến khác, Heiken Ashi sẽ mang trong mình cả ưu và nhược điểm.
Ưu điểm và hạn chế của mô hình Heiken Ashi
Ưu điểm của mô hình Heiken Ashi
Nhà đầu tư nên biết những ưu điểm dưới đây của Heiken Ashi để tận dụng:
- Chỉ cần dựa vào màu của nến là nhà đầu tư đã có thể tiến hành giao dịch mà không cần dùng thêm các chỉ báo khác.
- Nhờ khả năng hạn chế được tín hiệu sai nhiễu mà Heiken Ashi giúp nhà đầu tư xác định xu hướng tăng giảm rõ ràng hơn.
- Các trader dễ dàng theo dõi biến động của thị trường hơn thông qua hiệu ứng bôi trơn giá.
- Bóng nến Heiken Ashi ít hơn các biểu đồ nến Nhật truyền thống nên nhà đầu tư sẽ dễ dàng xác định được động lượng giá trên thị trường.
Điểm hạn chế còn tồn tại ở mô hình Heiken Ashi
Sở hữu nhiều ưu điểm mang đến lợi ích cho nhà đầu tư nhưng không phải mô hình Heiken Ashi không tồn tại nhược điểm:
- Nến Heiken Ashi có độ trễ cao nên các trader thường sẽ không thể phản ứng kịp thời nếu thị trường xảy ra tình trạng đảo chiều gấp. Do vậy, nếu nhà đầu tư chọn chiến lược Daily Trading dựa theo khung đồ thị 1 phút hay 5 phút sẽ không thực sự hiệu quả.
- Vì không biểu thị giá thị trường tại thời điểm hiện tại nên nhà đầu tư sẽ không thể sử dụng để đặt lệnh.
- Việc chốt lời – cắt lỗ chủ động thông qua các tín hiệu dự báo của mô hình Heiken Ashi thường không hiệu quả.
- Mức độ phổ biến của mô hình Heiken Ashi tương đối thấp
Từ những ưu điểm và nhược điểm mà Beat Forex vừa chia sẻ hi vọng nhà đầu tư có thể tận dụng những điểm mạnh của mô hình Heiken Ashi để tìm kiếm lợi nhuận cho mình. Đồng thời chú ý những điểm hạn chế của mô hình này để tránh cho giao dịch bị lỗ.
Hướng dẫn cài đặt mô hình Heiken Ashi chi tiết nhất
Thời điểm hiện tại, mô hình Heiken Ashi đã được tích hợp sẵn trên tradingview nên nhà đầu tư sử dụng được khá dễ dàng. Tuy nhiên, đối với phần mềm giao dịch MT4 thì nến này chưa được tích hợp sẵn. Nhưng các trader cũng không cần quá lo lắng bởi ngay sau đây Beat Forex sẽ hướng dẫn từng bước cài đặt chi tiết.
Hướng dẫn cài đặt, mở/ tắt mô hình Heiken Ashi trên Tradingview
Để mở mô hình Heiken Ashi trên Tradingview quý vị thực hiện vài bước rất đơn giản sau:
- Bước 1: Truy cập vào trang web: Tradingview.com và mở ra một biểu đồ giá bất kỳ;
- Bước 2: Trên thanh công cụ của web, quý vị click chọn biểu tượng có hình 2 cây nến;
- Bước 3: Menu tùy chọn xuất hiện, quý vị nhấp chuột chọn “Mô hình Heiken Ashi”.
Để tắt Heiken Ashi hoặc không muốn sử dụng mô hình nến này nữa thì quý vị có thể thực hiện các bước trên sau đó click chọn mô hình nến khác.
Hướng dẫn cài đặt, mở mô hình Heiken Ashi trên phần mềm giao dịch MT4
Để mở mô hình Heiken Ashi trên phần mềm giao dịch MT4, quý vị thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Trên menu thanh công cụ của MT4, quý vị click chọn vào biểu tượng “Line Chart”. Theo đó đồ thị giá sẽ chuyển sang dạng đường.
- Bước 2: Qúy vị hướng chuột vào biểu đồ giá và nhấn chuột phải và chọn mục “Properties…”. Theo đó, hộp thoại cài đặt biểu đồ sẽ hiện ra. Trong bước này, quý vị cần tập trung chú ý đến 2 mục là: Background và Line graph.
- Ở khung ô “Line Graph”, quý vị chọn “None”.
- Mô hình Heiken Ashi mặc định sẽ có màu trắng (nến tăng) và màu đỏ (nến giảm). Nếu giữ nguyên như vậy thì trong ô “Background” quý vị sẽ để màu đen để dễ quan sát.
- Còn nếu muốn chuyển màu nến tăng xanh lên giống như màu nến Nhật truyền thống thì quý vị nên chuyển “Background” sang màu trắng để màn hình sáng hơn và cũng dễ nhìn hơn.
- Bước 3: Trên Menu thanh công cụ của phần mềm MT4, quý vị click chọn “Insert”, chọn tiếp mục “Indicator”. Tùy chọn xuất hiện, click chọn “Custom”, tiếp tục click “Heiken Ashi” và “OK” là mở xong.
- Bước 4: Cửa sổ tiếp theo sẽ hiển thị mô hình Heiken Ashi. Nếu quý vị muốn đổi màu nến tăng xanh thì chỉ cần hướng mũi tên của chuột vào một cây nến bất kỳ trên đồ thị, click chuột phải và chọn “Heiken Ashi Properties”.
Tiếp đó, hộp thoại chỉ báo xuất hiện, quý vị mở tab “Colors”, tùy chọn màu sắc cho nến tăng xanh và click “OK” là xong.
Như vậy là quý vị đã mở và cài đặt màu nến Heiken Ashi thành công trên phần mềm giao dịch MT4. Vậy nếu muốn tắt mô hình nến này thì phải làm sao?
Cách tắt mô hình Heiken Ashi trên phần mềm giao dịch MT4
Nếu quý vị muốn tắt mô hình Heiken Ashi để chuyển màn hình sang biểu đồ nến Nhật hoặc 1 dạng biểu đồ khác thì chỉ cần:
- Bước 1: Hướng mũi tên của chuột vào bất kỳ cây nến Heiken Ashi nào trên biểu đồ, nhấn chuột phải và chọn mục “Delete Indicator”.
- Bước 2: Trên menu thanh công cụ của phần mềm giao dịch MT4, quý vị click chuột vào biểu tượng “đồ thị nến” – Candlestick nằm ngay cạnh nút “Line Chart” là tắt mô hình Heiken Ashi xong.
Ứng dụng của nến Heiken Ashi trong giao dịch tài chính
Với tính chất trung bình cộng mà mô hình của Heiken Ashi được làm mượt. Nhờ đó, đồ thị Heiken Ashi ứng dụng tốt nhất khi ở vai trò cung cấp và nhận diện tín hiệu để xác định xu hướng. Bên cạnh đó, mô hình Heiken Ashi còn góp phần nhận diện một số mô hình giá trở nên dễ dàng hơn. Chi tiết:
Mô hình Heiken Ashi giúp xác nhận xu hướng của thị trường
Xu hướng của thị trường có thể được xác định bằng mắt thông qua cấu trúc chuyển động của giá. Theo đó, nếu xu hướng thị trường tăng thì giá sẽ tạo các đáy và đỉnh cao hơn. Trái lại, với xu hướng giảm, giá sẽ tạo đáy thấp hơn, đỉnh thấp hơn.
Đối với mô hình Heiken Ashi, việc nhận diện xu hướng thị trường sẽ trở nên dễ dàng hơn thông qua điểm đặc trưng của các cây nến hình thành nên xu hướng. Trong khi điều này thì đồ thị nến Nhật truyền thống không làm được.
Khi thị trường ở xu hướng tăng, số lượng các cây nến xanh Heiken Ashi (tăng) xuất hiện một cách dày đặc và đồng đều. Còn nến đỏ thì có rất ít hoặc đôi khi không xuất hiện nến đỏ nếu thị trường trong xu hướng tăng mạnh mẽ.
Đặc trưng của các cây nến Heiken Ashi xanh hình thành nên xu hướng tăng thường có bóng nến dưới rất ngắn hoặc không có bóng nến còn bóng nến trên dài.
Cụ thể, Beat Forex sẽ nêu một ví dụ cho thấy khả năng nhận diện xu hướng thị trường tuyệt vời của mô hình Heiken Ashi: Mô hình Heiken Ashi và biểu đồ nến Nhật của USD/EUR trên khung D1, ở cùng một giai đoạn.
Như quý vị dễ dàng nhận thấy, đường xu hướng thị trường ở cả hai mô hình đều được xác định giống nhau và có độ dốc như nhau. Tuy nhiên:
- Ở mô hình của Heiken Ashi thì số lượng nến đỏ ít hơn và chỉ xuất hiện ở từng đợt điều chỉnh giảm bằng liên tiếp của các cây nến đỏ.
- Nhưng bên cạnh ở đồ thị nến Nhật thì số lượng cây nến đỏ nhiều hơn, xuất hiện xen kẽ vào từng đợt thị trường tăng giá. Còn trong những đợt điều chỉnh thị trường giảm thì nến xanh vẫn xuất hiện xen kẽ giữa các nến đỏ.
Quan sát vào mô hình Heiken Ashi, dựa vào màu sắc của các cây nến, quý vị có thể thấy ngay xu hướng chính kèm theo từng đợt điều chỉnh của thị trường.
Trên đồ thị của mô hình Heiken Ashi, hàng loạt cây nến xanh khi xu hướng thị trường tăng mạnh đều không có bóng nến dưới. Trong khi đó, với nến Nhật truyền thống thì hầu hết đều có bóng nến dưới.
Khi thị trường ở xu hướng giảm, số lượng cây nến đỏ (nến giảm) xuất hiện nhiều áp đảo và đồng đều. Còn các cây nến xanh rất ít, thậm chí không xuất hiện khi xu hướng thị trường giảm mạnh. Theo đó, đặc điểm của các cây nến đỏ hình thành nên xu hướng thị trường giảm sẽ có bóng nến trên rất ngắn hoặc không có, còn bóng nến dưới thì dài.
Trên đồ thị của mô hình Heiken Ashi, khi thị trường ở xu hướng giảm thì các cây nến xanh cũng chỉ xuất hiện ở những đợt thị trường điều chỉnh tăng, còn khi thị trường ở đợt giảm, số nến đỏ sẽ áp đảo. Trong khi đó, trên đồ thị nến Nhật, số lượng nến xanh sẽ xen kẽ ở những đợt giảm chính và nến đỏ cũng xuất hiện trong những đợt thị trường điều chỉnh tăng.
Các cây nến đỏ Heiken Ashi xuất hiện liên tiếp trong xu hướng giảm cũng có bóng nến trên rất ngắn hoặc không có.
Mô hình Heiken Ashi cung cấp tín hiệu giúp dự báo xu hướng thị trường
Tín hiệu mua vào
Khi xuất hiện tối thiểu 3 cây liên tiếp, trong đó các cây Heiken Ashi xanh (nến tăng) có thân nến dài, bóng nến dưới ngắn hoặc không có bóng nến, bóng nến trên dài thì cung cấp tín hiệu thị trường đang ở xu hướng tăng và sẽ tiếp tục tăng nữa. Đây là cơ hội để nhà đầu tư vào lệnh “Buy”.
Tín hiệu bán ra
Khi xuất hiện tối thiểu 3 cây nến liên tiếp, trong đó các cây Heiken Ashi đỏ (nến giảm) có thân nến dài, bóng nến trên ngắn hoặc không có bóng nến, bóng nến dưới dài thì báo tín hiệu thị trường đang có xu hướng giảm và sẽ tiếp tục giảm nữa. Đây là cơ hội để vào lệnh “Sell”.
Sau khi trên đồ thị liên tiếp xuất hiện 4 cây nến xanh thân dài, không bóng nến dưới tức là thị trường đã tăng mạnh ngay sau đó. Lúc này nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua vào khi cây nến thứ 4 kết thúc.
Sau khi thị trường tăng một thời gian thì xuất hiện liên tiếp 4 cây nến đỏ thân dài, không có bóng nến trên. Thời điểm này đồ thị báo tín hiệu để nhà đầu tư thoát vị thế và đóng lệnh chốt lời. Và ngay sau đó thì thị trường đã đảo chiều giảm.
Tương tự như trên, sự xuất hiện của hàng loạt các cây Heiken Ashi đỏ không bóng nến trên, thân dài sẽ chỉ báo cho nhà đầu tư tín hiệu để vào lệnh “Sell”.
Tuy nhiên, ở vào tình huống này, nếu nhà đầu tư chờ đợi cả 3 cây nến xanh, không bóng nến dưới, thân dài liên tiếp nhau xuất hiện rồi mới đóng lệnh thì sẽ không thu được lợi nhuận. Thậm chí nhà đầu tư phải chịu thua lỗ do khoảng thời gian vào lệnh và đóng lệnh rất ngắn.
Do đó, khi lựa chọn mô hình Heiken Ashi như một tín hiệu để chốt lời thì nhà đầu tư nên:
- Đóng lệnh ngay khi đồ thị xuất hiện một cây nến xanh có thân dài nhưng không bóng nến dưới (đối với lệnh “Sell”).
- Đóng lệnh “Buy” ngay khi đồ thị xuất hiện một cây nến đỏ thân dài và không bóng nến trên.
Nhà đầu tư cũng có thể kết hợp thêm tín hiệu đảo chiều từ chỉ báo, mô hình nến trên đồ thị nến Nhật.
Mô hình Heiken Ashi cung cấp tín hiệu giúp dự báo khả năng đảo chiều
Nến Heiken Ashi cung cấp tín hiệu dự báo khả năng đảo chiều chính là mô hình nến Doji. Đặc điểm của mô hình Heiken Ashi Doji cũng giống như hình dáng của nến Nhật Doji thông thường. Đó là thân nến ngắn (gần giống như đường thẳng), có bóng nến ở dưới và trên.
Heiken Ashi xuất hiện trên biểu đồ trong một xu hướng cho thấy thị trường đang do dự. Khi này sẽ có 2 khả năng xảy ra:
- Hoặc là thị trường sẽ tạm nghỉ trước khi phía áp đảo đưa xu hướng hiện tại đi với lực mạnh mẽ hơn và xu hướng tiếp diễn.
- Hoặc là lực của phía áp đảo đang dần yếu đi, tạo cơ hội cho phía còn lại tham gia vào thị trường dẫn đến xu hướng đảo chiều.
Quan sát hình ảnh đồ thị Heiken Ashi Doji ở hình trên, sau khi cây nến Doji 1 xuất hiện thì xu hướng thị trường được tiếp diễn. Đến khi nến Doji 2 và 3 xuất hiện trên đồ thị lại cho kết quả xu hướng đảo chiều.
Các cây nến Doji Heiken Ashi được đánh dấu bằng ô vuông xanh trên hình không chỉ báo một kết quả rõ ràng. Thực tế, dù Heiken Ashi Doji thường xuyên xuất hiện nhưng không phải sự xuất hiện nào cũng cho thấy một tín hiệu giao dịch mạnh mẽ.
Do đó, mặc dù chính bản thân nến Doji thường cung cấp tín hiệu giúp dự báo thị trường đảo chiều nhưng để giao dịch hiệu quả hơn nhà đầu tư nên sử dụng kết hợp thêm nhiều công cụ phân tích hoặc chỉ báo khác. Như vậy mới tránh được rủi ro trong những tình huống nến Doji gây nhiễu hoặc cho tín hiệu tiếp diễn xu hướng.
Nến Heiken Ashi giúp nhà đầu tư nhận diện các mô hình giá tốt hơn
Nhờ sở hữu những đặc trưng riêng biệt như: các cây nến dày sát nhau hơn; không có nhiều bóng nến trên khi thị trường ở xu hướng giảm hoặc không có nhiều bóng nến dưới khi thị trường ở xu hướng tăng và khả năng được làm mượt nên đồ thị Heiken Ashi giúp nhận diện một số mô hình giá tốt hơn. Nhất là các mô hình giá được xác định bởi các đường xu hướng.
Trong đó, 2 mô hình giá “Tam giác” và mô hình giá “Cái nêm” xuất hiện thường xuyên nhất trên đồ thị Heiken Ashi. Việc nhận diện 2 mô hình giá này nhờ vào nến Heiken Ashi sẽ trở nên đơn giản hơn. Nhưng quan trọng là nhà đầu tư cần xác định chính xác chiến lược để giao dịch hiệu quả.
Hơn nữa, dù 2 mô hình giá trên tương đối giống nhau nhưng vẫn có điểm khác biệt. Cho nên để giao dịch hiệu quả, nhà đầu tư cần lưu ý về những đặc điểm đó để chuẩn bị chiến thuật giao dịch với từng mô hình.
Chiến thuật với nến Heiken Ashi đầy đủ trong giao dịch Forex
Nến Heiken Ashi có khả năng làm giảm độ nhiễu rất tốt nên nếu là một nhà đầu tư thông thái, quý vị không nên bỏ qua chỉ báo này mỗi khi giao dịch. Ngay sau đây, Beat Forex chia sẻ một số chiến thuật với nến Heiken Ashi trong giao dịch ngoại hối:
Đặt lệnh nhờ chỉ báo nến Heiken Ashi
Để vào lệnh chính xác thông qua chỉ báo của Heiken Ashi, đầu tiên nhà đầu tư cần phải xác định được vị trí của xu hướng giảm. Việc này cần phải được phân tích và xác định một cách nhanh nhất có thể. Các bước tiếp theo như sau:
- Chờ các cây nến có bước đầu chuyển từ màu đỏ sang màu xanh. Theo phân tích thì phần lớn xu hướng thị trường sẽ nghiêng về “Bull” thay vì “Bear”.
- Ngay khi các cây nến “Bull” đầu có phần đuôi ở phía dưới dài thì nhà đầu tư cần nhận biết đây là một lực bắt đáy tốt tại vùng hỗ trợ cứng.
- Lúc này, nhà đầu tư sẽ vào lệnh “BUY” ngay lúc cây nến thứ 2 mở cửa. Cùng lúc đó, đặt lệnh “Stop – loss” ngay phía dưới cây “Bull” đầu tiên. Và trader sẽ thực hiện chốt lời ngay lập tức khi xuất hiện cây “Bear” đầu tiên.
Kết hợp giữa nến Heiken Ashi + Stochastic + nến Nhật
Khi tiến hành phân tích thị trường bằng phương pháp phân tích kỹ thuật, các trader có thể sử dụng kết hợp mô hình Heiken Ashi, Stochastic với biểu đồ nến Nhật truyền thống. Sự kết hợp này cho ra phương pháp phân tích kỹ thuật đơn giản nhưng lại mang lại hiệu quả rất cao.
Nhà đầu tư phân tích thị trường dựa vào sự kết hợp của Heiken Ashi, Stochastic và biểu đồ nến Nhật thì sẽ có 2 chiến thuật như sau:
- Trader sẽ vào lệnh “BUY” ngay khi cả 2 đường của Stochastic vượt mức 20, đồ thị của nến Nhật và Heiken Ashi chỉ báo rằng xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ đảo chiều và tăng.
- Nhà đầu tư nên đặt lệnh “SELL” khi 2 đường của Stochastic vượt khỏi mức 80, đồ thị nến Nhật và Heiken Ashi chỉ báo rằng xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ là đảo chiều và giảm.
Kết luận
Mặc dù chỉ được dùng như một chỉ báo và cũng không phổ biến như các công cụ phân tích kỹ thuật khác nhưng mô hình nến Heiken Ashi vẫn có những đặc trưng riêng mang đến hiệu quả giao dịch tuyệt vời nếu nhà đầu tư biết cách áp dụng. Beat Forex hi vọng rằng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp quý vị giao dịch với nến Heiken Ashi thành công.
Nếu quý vị cần thêm các thông tin khác hoặc còn thắc mắc khác về mô hình Heiken Ashi cần được giải đáp, vui lòng gửi câu hỏi về địa chỉ email của Beat Forex hoặc liên hệ trực tiếp theo số hotline hiển thị trên web. Chuyên viên tài chính của chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ quý vị mọi khung giờ trong ngày.
Trân trọng!